Chiều 9/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có cuộc làm việc với Bộ Y tế trong đó nội dung chính là những vấn đề đang "nóng" của ngành như: Đấu thầu thiết bị y tế; Luật bảo hiểm y tế; Giá các dịch vụ y tế....
Tránh nền y tế giá rẻ
Theo lộ trình, trong năm nay, Bộ Y tế sẽ đấu thầu tập trung đối với thiết bị y tế. Nhưng hiện còn có nhiều bất cập điển hình là giá vật tư y tế.
Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, thực trạng cùng một loạt vật tư nhưng lại có sự chênh lệch rất xa về giá là một trở ngại lớn. Chính vì vậy, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị tổ chức đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế tập trung cấp quốc gia ngay trong năm nay, tập trung vào 6 nhóm sử dụng nhiều và giá trị thanh toán lớn.
Ông Sơn nêu dẫn chứng cụ thể, một loại stent mạch vành của Đức, giá tại một Bệnh viện ở Thanh Hóa là hơn 58 triệu đồng, giá tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) là 38,5 triệu đồng, trong khi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang chỉ 29,4 triệu đồng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị y tế nhấn mạnh, Thông tư hướng dẫn đấu thầu vật tư, hóa chất theo hướng chia nhóm theo tiêu chí chất lượng để xây dựng kế hoạch theo nhóm tương tự thuốc cũng đang được Bộ Y tế xây dựng. Tuy nhiên, để làm việc này, hiện nay có nhiều vấn đề vướng mắc được đặt ra, thẩm quyền quy định trong đấu thầu trang thiết bị vẫn là Bộ Tài chính và để xây dựng được các nhóm vật tư, thiết bị cũng mất cả năm trời.
Về việc đấu thầu trang thiết bị y tế, ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh thêm: “Thuốc kém chất lượng có thể điều chỉnh đổi thuốc, nhưng nếu vật tư tiêu hao cấy vào người rất khó mổ ra. Cái này phải cân nhắc, lựa chọn giữa tiêu chí kỹ thuật với giá sao cho phù hợp để tránh nền y tế giá rẻ.”
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Bộ Y tế cần trao đổi với Bộ Tài chính về cách làm xem đấu thầu trang thiết bị y tế như đấu thầu thuốc. “Nên chọn một số nhóm vật tư tiêu hao giống nhau về cấu hình, sử dụng nhiều và không phức tạp để tiến hành đấu thầu trước.”
Về vấn đề này, phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo: “Cái này phải chứng minh 1 stent như nhau nhưng giá khác nhau thế nào, còn dải giá khác nhau với nhiều loại stent khác nhau là chuyện bình thường. Nói cho chính xác, không truyền thông, dư luận hiểu sai.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế trước mắt làm thí điểm theo gợi ý của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Việt Nam, trong phạm vi các bệnh việc trực thuộc Bộ trước. Sau đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ cùng tham gia vào sau.
Về việc cân nhắc, lựa chọn giữa tiêu chí kỹ thuật và giá sao phù hợp, không đi theo hướng y tế giá rẻ được nêu, Phó Thủ tướng nhắc nhở: “Bộ Y tế phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch các vật tư có chất lượng, bảo đảm tính cạnh tranh về giá.”
Giảm từ 18.000 dịch vụ xuống còn 2.000 dịch vụ
Những năm qua, việc ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC về giá dịch vụ y tế trọng trong lộ trình tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế được rất nhiều người dân quan tâm. Bởi việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ tác động tới rất nhiều đối tượng khác nhau và có thể ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ rất quan tâm tới việc điều chỉnh một số nội dung trong Thông tư 37 cho phù hợp với giá dịch vụ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa triển khai và báo cáo Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sau khi Bộ Y tế họp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, các bên đã thống nhất tới tháng Năm sẽ hoàn thành sửa đổi Thông tư liên tịch số 37 và các cơ quan này sẽ tiếp tục khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cho phù hợp với thực tiễn. Hiện các dịch vụ này đang được rà soát lại giá theo hướng tính đúng, tính đủ để hạ hoặc tăng giá.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, giai đoạn 1 (đến tháng Năm) sẽ hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn nội dung thanh toán chi phí khám chữa bệnh của một số dịch vụ đối với các đơn vị có số lượng dịch vụ vượt định mức hoặc công suất tính giá; Khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ, như X-quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, xét nghiệm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, giai đoạn 2 (lộ trình đến năm 2020), Bộ Y tế sẽ tiến tới sắp xếp lại 18.000 dịch vụ y tế xuống còn 2.000-3.000 dịch vụ, nhóm dịch vụ để xây dựng giá cho thuận lợi.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) giải thích thêm: “Giá 40 dịch vụ y tế sẽ được tính theo nguyên tắc tính đủ chi phí trực tiếp, tiền lương vào thời điểm hiện nay. Theo đó, cái nào tăng sẽ tăng, cái nào giữ nguyên vẫn giữ nguyên và sẽ có những dịch vụ giá giảm xuống.”
Cũng tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu liên Bộ Y tế và Tài chính cần tính toán kỹ khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế giai đoạn 2018-2020 để không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Do đó, việc điều chỉnh lại giá dịch vụ y tế phải bảo đảm tương xứng, cân đối giữa mức đóng bảo hiểm y tế và phạm vi, quyền lợi được hưởng do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả, tuân thủ nguyên tắc đóng-hưởng khi mà từ nay tới năm 2020 Chính phủ chưa có chủ trương tăng mệnh giá bảo hiểm y tế./.