Triển khai nối mạng hệ thống nhà thuốc trên cả nước
Ngày đăng : 17:45:06 28-01-2019
Đến cuối năm 2018 việc nối mạng hệ thống nhà thuốc sẽ được triển khai đồng loạt ở tất cả các tỉnh, TP trong cả nước để góp phần giám sát việc bán thuốc theo đơn, kiểm soát giá thuốc và chất lượng thuốc.Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết tại buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc triển khai Đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn diễn ra ngày 3-5.
Theo Đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020, Bộ Y tế thí điểm tại 4 tỉnh, TP gồm Nam Định, Vĩnh Phúc, Cần Thơ và Đà Nẵng. Mục tiêu nhằm quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài BV; truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, đảm bảo kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn; nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế-đặc biệt là người trực tiếp kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, trọng tâm là thuốc kháng sinh. Qua đó góp phần làm giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý. Phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.
Các tỉnh, TP còn lại giao cho địa phương thực hiện, thống nhất sử dụng bộ công cụ khảo sát, kiểm tra về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn của Bộ Y tế. Giai đoạn 2 (2018-2020) mở rộng Đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên toàn quốc.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, hết năm 2018 toàn quốc phải triển khai nối mạng nhà thuốc. Trong Thông tư 02 vừa có hiệu lực đã nêu rất rõ lộ trình. Đến năm 2020, tất các nhà thuốc phải hoàn thành nối mạng. Đến đầu năm 2021 tất cả các quầy thuốc phải nối mạng. Sau đó đến các tủ thuốc tại trạm y tế xã. Về Đề án kê đơn và bán thuốc theo đơn, đến năm 2020 thì 100% kháng sinh phải bán thuốc theo đơn và 100% nhà thuốc BV, phòng khám công lập phải bán thuốc theo đơn. Tại các cơ sở y tế ngoài công lập thì tỷ lệ này là 80%.
Hiện Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã thí điểm triển khai ứng dụng kết nối phần mềm quản lý nhà thuốc tại 12 nhà thuốc của tỉnh Phú Thọ và đang triển khai tại Hưng Yên, Nam Định, với danh mục gồm 22.000 loại thuốc. Nối mạng hệ thống nhà thuốc không chỉ kiểm soát việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn mà còn góp phần kiểm soát được giá thuốc, việc thu hồi thuốc và hạn chế được tình trạng kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc tại các nhà thuốc.
Tại Vĩnh Phúc, một trong các tỉnh thuộc phạm vi đề án, theo ông Nguyễn Thanh Hải, GĐ Sở Y tế Vĩnh Phúc: Trên địa bàn tỉnh có đến hơn 1.000 cơ sở bán lẻ thuốc, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, trong đó có 150 nhà thuốc. Tình trạng bán thuốc kê đơn không cần đơn còn phổ biến, để tối đa hóa doanh thu lợi nhuận người bán sẵn sàng bán các loại thuốc theo yêu cầu của khách hàng.
Trong khi đó, việc thanh kiểm tra còn hạn chế do thiếu nhân lực. Mức xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe, rất thấp như hành vi bán thuốc bắt buộc phải có đơn như kháng sinh khi không có đơn chỉ bị phạt 200.000-500.000 đồng. Bên cạnh đó, người dân có thói quen tự ý mua thuốc sử dụng, ngại đi khám vì sợ gia tăng chi phí, mất thời gian.
Vì thế, tỉnh sẽ thí điểm can thiệp trước tiên tại thị xã Phú Yên, đã tập huấn phần mềm quản lý nhà thuốc kết nối toàn quốc. Trước đó, ngành y tế sẽ khảo sát, kiểm tra, đánh giá hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn gồm đánh giá đơn thuốc; kê đơn ngoại trú; nhận thức người bán, người mua…
“Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn là nhiệm vụ rất cấp bách; nếu chậm thì nhân dân và ngành y tế sẽ chịu hậu quả nặng nề của sử dụng kháng sinh không hợp lý. Trong nhiều năm qua, thế giới không phát minh ra được kháng sinh mới”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý bán thuốc, kê đơn giúp đảm bảo kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc, hạn chế tình trạng bán thuốc cần kê đơn mà không có đơn thuốc… GĐ Sở Y tế phải giám sát việc thực hiện; cơ sở nào đã nhắc nhở mà vẫn vi phạm thì có thể xử phạt.